Vì cuộc sống là không chờ đợi..!!





25 tháng 5, 2011

Cái giá của lòng biết ơn



"... Bây giờ thì tôi biết cảm giác được chia sẻ tình thương với người khác là như thế nào. Và tôi cũng đã hiểu được tình yêu thương, sự chia sẻ có sức mạnh thế nào. Nó đủ mạnh để đạp đổ mọi ngăn cách, đủ mạnh để con người dũng cảm hơn, gần nhau hơn và chia sẻ hơn...
Năm đó tôi 13 tuổi. Vào thứ bảy, ba thường cho tôi đi chơi công viên hay ra cầu cảng ngắm tàu thuyền. Trên đường về, ba thường dừng lại cửa hàng Dairy Queen để mua kem nón giá 10 xu. Không phải lần nào ba cũng ghé, tôi không dám yêu cầu mà chỉ hy vọng và hồi hộp chờ đợi ngay từ lúc ba lái xe về nhà. Tới góc đường, hoặc ba sẽ đi thẳng và mua kem, hoặc sẽ rẽ về với hai bàn tay trắng.

Thường thì ba sẽ hỏi:
- Con có muốn một cây kem nón không?
Tôi trả lời ngay:
- Muốn lắm, ba.
Tôi chọn kem Sôcôla, còn ba chọn kem vani. Chúng tôi ăn ngay trong xe. Tôi yêu ba và thích kem lạnh - đó chính là thiên đường.

Vào một ngày như thế, trên đường về nhà, ba hỏi:
- Hôm nay con có muốn một cây kem nón không?
- Muốn lắm, ba.
Nhưng rồi ba tiếp lời:
- Ba cũng muốn lắm. Vậy hôm nay con đãi nhé?
Trời? 20 xu? 20 xu cho hai cây  kem! Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi có thể trả được. Tôi được mẹ cho 25 xu một tuần nhưng việc để dành tiền rất quan trọng. Chính ba nói như vậy mà. Và khi tôi phải bỏ tiền mua thì kem chẳng ngon gì.

Tại sao tôi không nghĩ rằng đây là cơ hội bằng vàng để tặng lại một món gì đó cho ba? Tại sao tôi không nghĩ rằng ba đã mua cho tôi hàng trăm cây kem hình nón mà tôi chưa bao giờ mua lại cho ông một cây? Lúc đó tôi chỉ nghĩ tới 20 xu mà thôi!

Trong khoảnh khắc, khi sự bội ơn và ích kỷ che lấp trái tim, tôi lịa thốt ra một câu ghê gớm:
- Thôi ba, mình đi qua luôn.
Ba tôi chỉ nói:
- Được thôi.
Nhưng khi về nhà, tôi mới biết mình đã phạm sai lầm khủng khiếp. Tôi van nài ba quay lại:
- Con sẽ trả tiền mà.
Nhưng ba chỉ nhún vai:
- Không sao đâu, chúng ta không cần kem đâu.

Tôi thấy buồn khủng khiếp vì tính ích kỷ của mình. Ba tôi không nhắc lại, cũng không tỏ ra buồn bã nhưng tôi nghĩ ông rất thất vọng.

Tôi rút ra bài học rằng sự hào hiệp luôn phải có hai chiều và đôi khi sự biết ơn còn có giá trị hơn là cảm ơn. Trong ngày hôm đó, lòng biết ơn sẽ có giá 20 xu và nó sẽ là cây kem ngon nhất mà tôi từng ăn. Nhưng tôi đã không làm như vậy..."

(ST)

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Thay đoạn kết)

Hàng đêm, tôi vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ vừa "nhìn" ra khu vườn vừa tưởng tượng. Tôi biết mình sẽ không bao giờ quên được, vì tôi vẫn còn nhớ lắm.
Tôi nhớ tất cả những gì đã bay qua bầu trời của tôi.
Tôi nhớ từng bông hoa, từng mùa mưa nắng, từng rẻo đất...
Bố tôi nói cần phải gieo những hạt mầm vào khu vườn; nhưng tôi cũng biết, mỗi một gương mặt là một hạt mầm gieo vào trí tưởng tượng của tôi. Tôi có nhiều khuôn mặt không ngừng mọc lên, những khuôn mặt buồn vui, những khuôn mặt đẹp nhất.
Nhiều lần tôi đã hỏi bố, tại sao người ta không nhớ một bàn tay ai đó mà phải là khuôn mặt trước tiên. Bố nói bởi vì trên đó có đôi mắt. Chúng ta không thể nhìn ai đó mà không nhìn vào đôi mắt họ. Một đôi mắt sẽ cho ta biết họ yêu mến điều gì, và quan trọng hơn nữa, họ đã hy sinh cho điều gì.
Hằng đêm, tôi vẫn tưởng tượng triền miên khi nhìn những ngôi sao. Người ta nói khi một người mất đi, ngôi sao của người ấy sẽ tắt. Tôi hú vía vì vẫn thấy ngôi sao của bạn tôi trên bầu trời, càng lúc càng rực rỡ chạm dần đến ngôi sao của tôi. Và tôi vẫn không ngừng tưởng tượng đến một lúc nào đó, bầu trời sẽ như một tấm thảm sáng kết liền lại. Vì đơn giản thôi, trên trái đất này trẻ con vẫn không ngừng được sinh ra và lớn lên. Chúng là những ngôi sao trên tấm thảm kia, điều bí mật mà tôi chẳng thể nào nói hết.


Nguyễn Ngọc Thuần

Món quà của các đạo sĩ

Một đô la tám hào bảy xu. Tất cả chỉ có thế. Trong đó sáu hào là tiền xu. Những đồng xu dành dụm được bằng cách cò kè ráo riết với lão chủ hiệu tạp hoá, người bán rau, ông hàng thịt cho đến lúc mà phải nóng rát lên vì thái độ thầm dè bỉu là keo kiệt lối mặc cả quá chặt chẽ ấy gây ra. Đó là lần Đêla đếm đi đếm lại số tiền. Một đô la tám hào bảy xu. Thế mà ngày mai đã là Nôen rồi.

Rõ ràng là chẳng còn làm được gì khác ngoài việc gieo mình xuống chiếc giường nhỏ tồi tàn mà gào khóc. Và Đêla đã làm như vậy. Tình cảnh này khiến người ta phải triết lý rằng cuộc đời chỉ toàn là những tiếng nức nở, những tiếng khóc thét và những nụ cười, trong đó những tiếng thét chiếm nhiều hơn cả.

Trong lúc bà chủ nhà đang nguôi dần từ nức nở chuyển sang thút thít, mời bạn hãy ngó qua căn buồng. Một căn buồng thuê tám đô la một tuần với cả đồ đạc. Đúng ra, không phải là không thể mô tả được căn buồng, nhưng chắc chắn là nó phải đề phòng đội cảnh sát bắt ăn mày đến kiểm soát.

Trong phòng đợi ở tầng dưới, có một hòm thư và một cái nút chuông, nhưng hòm thì chẳng bao giờ có lấy được một bức thư bỏ vào, còn chuông thì chẳng hề có một ngón tay người ấn nút, reo chuông. Ở đấy còn một tấm thiếp mang tên “Ông Giêm Đilingghêm Iơng”.
Thời kỳ sung túc trước đây, khi chủ nó còn được trả 30 đô la một tuần, tấm thiếp “Đilingghêm” đã theo gió bay đi khắp nơi. Bây giờ thu nhập co lại chỉ còn 20 đô la thì những chữ Đilingghêm nom cũng mờ đi như thể thật sự muốn thu mình lại chỉ còn một chữ “Đ” khiêm tốn và nhũn nhặn. Nhưng mỗi khi ông, Giêm Đilingghêm Iơng về đến nhà, leo lên tới buồng mình trên gác, ông ta vẫn được bà Giêm Đilingghêm Iơng - đã được giới thiệu với các bạn là Đêla - ôm choàng lấy mà gọi là “Gim”. Và như thế thật là hạnh phúc.

Đêla thôi không khóc nữa và lấy núm bông đánh phấn sửa sang lại đôi má. Cô đứng bên cửa sổ, ủ rột nhìn một con mèo xám đang đi trên một hàng rào màu xám trong một cái sân cũng màu xám xịt. Ngày mai đã là Nôen rồi, thế mà cô chỉ có một đô la tám hào bảy xu để mua quà tặng Gim. Cô đã hết sức dành dụm từng xu một hàng bao nhiêu tháng trời. Vậy mà kết quả chỉ được có thế. Hai mươi đô la một tuần chẳng được mấy nỗi. Chi tiêu đã vượt quá mức cô dự tính. Bao giờ cũng vậy. Chỉ có một đô la tám hào bảy xu để mua quà tặng Gim. Gim của cô. Cô đã bỏ ra không biết bao nhiêu giờ sung sướng dự tính mua cái gì thật đẹp cho Gim. Một cái gì đẹp, hiếm, có giá trị thật sự , một cái gì có thể tạm xứng đáng với vinh dự được là của Gim.

Trong phòng giữa hai cửa sổ có gắn một tấm gương dài. Có lẽ các bạn đã từng trông thấy một cái gương dài gắn vào tường trong một căn buồng thuê 8 đô la một tuần. Một người thật mảnh dẻ và thật nhanh nhẹn, có thể có được một ý niệm chính xác về dung mạo của mình bằng cách ngắm bóng mình qua một loại hình ảnh phản chiếu rất nhanh trên gương thành những vệt dài. Đêla thanh mảnh nên đã nắm vững được nghệ thuật soi gương ấy.

Bỗng cô rời cửa sổ quay ngoắt lại đến đứng trước gương. Mắt cô sáng lên long lanh, nhưng chỉ hai mươi giây sau, sắc mặt cô đã tái nhợt. Cô vội xổ tóc ra cho xoã xuống.

Xin nói rằng vợ chồng Đilingghêm Iơng có hai vật sở hữu mà cả hai đều rất đỗi tự hào. Một là chiếc đồng hồ vàng của Gim đã từng là của cha và của ông nội anh. Hai là bộ tóc của Đêla. Giả sử như nữ hoàng xứ Seba sống ở căn phòng phía bên đường phố hẹp như một ống thông hơi thì có ngày Đêla sẽ xõa tóc hong khô trước cửa sổ để hạ giá trị tất cả các châu báu, tặng phẩm của nữ hoàng. Ví thử vua Xalômôn là bác gác cửa, có kho tàng của cải chất đầy dưới hầm thì mỗi lần đi qua Gim sẽ rút đồng hồ ra được thấy nhà vua phải bứt râu vì ghen tị.

Cho nên lúc này bộ tóc đẹp của Đêla xõa xuống, gợn sóng và óng ả như một thác nước màu đen. Tóc dài tới quá đầu gối và hầu như tạo thành một chiếc áo dài cho cô vậy. Rồi Đêla lại run run cuộn vội tóc lên. Cô ngập ngừng trong giây lát và đứng im, một hai giọt nước mắt nhỏ xuống tấm thảm đỏ đã sờn.

Cô khoác vội chiếc áo cũ màu nâu, chụp vội chiếc mũ cũ màu nâu lên đầu. Tà váy tung lên, khoé mắt vẫn còn tia sáng long lanh, cô như bay ra khỏi phòng, bay xuống cầu thang, ra phố.


Nơi cô dừng lại có một tấm biển đề “Bà Xôphrôni. Hàng bằng tóc đủ các loại” Đêla chạy một mạch lên cầu thang, rồi trấn tĩnh lại, thở hổn hển. Bà chủ to béo, trắng bệch, lạnh lùng, trông chẳng có gì giống cái tên “Xôphrôni”:

- Bà có mua tóc của tôi không? - Đêla hỏi.

- Tôi mua - Bà chủ đáp. Chị bỏ mũ ra cho tôi xem tóc chị thế nào.
Cái thác nước màu nâu đổ xuống gợn sóng.

- Hai mươi đô la, bà chủ vừa nói vừa nâng mớ tóc lên với một bàn tay thành thạo.

- Bà đưa tiền đây cho tôi nhanh lên - Đêla nói.

Ôi, hai tiếng đồng hồ sau đó đã trôi qua trên đôi cánh màu hồng. Xin các bạn hãy bỏ quá cho cái lối ví von lộn xộn ấy. Cô sục sạo các cửa hàng để tìm quà mua tặng Gim.

Cuối cùng cô đã tìm thấy. Rõ ràng là người ta đã làm ra nó để dành cho Gim chứ không phải một ai khác. Không có gì sánh được với nó ở bất cứ một cửa hàng nào. Mà cô thì đã lục lọi tung bành tất cả các cửa hàng rồi. Đó là một chiếc dây đeo đồng hồ bằng bạch kim, kiểu giản dị và thanh nhã, tự thực chất của nó thôi cũng đã nói lên đầy đủ giá trị của nó rồi, chứ không phải cái lối trang sức hào nhoáng bên ngoài, mọi vật quý đều phải như thế. Ngay cả với chiếc đồng hồ của Gim, nó cũng xứng đáng. Vừa nhìn thấy nó, cô biết ngay rằng nó phải là của Gim. Nó cũng giống như Gim, trầm tĩnh và quý giá. Sự mô tả này hợp với cả hai. Cô đã phải trả mất hai mươi mốt đô la, rồi hối hả trở về nhà với 87 xu còn lại. Có chiếc dây này móc vào đồng hồ, Gim có thể đàng hoàng xem giờ trước bất kỳ một ai. Chiếc đồng hồ quý giá là thế, vậy mà nhiều khi anh ấy cũng phải len lén xem giờ vì không có dây, anh phải dùng một mẩu dây da cũ.

Khi Đêla về đến nhà thì cảm giác say sưa của cô phần nào đã nhường chỗ cho dè dặt và lý trí. Cô lấy cái cặp uốn tóc ra, đốt bếp hơi lên rồi bắt tay vào việc sang sửa lại những tàn phá do lòng rộng rãi cộng với tình yêu đã gây ra. Việc này bao giờ cũng là một công việc to tát, các bạn ạ, một công việc khổng lồ.

Bốn mươi phút sau, đầu cô đã như đầy những móc tóc loăn xoăn xoắn vào nhau, khiến cô giống hệt một cậu học trò lười hay trốn học. Cô chăm chú nhìn mình trong gương một hồi lâu, chăm chú và xét nét.

“Nếu Gim không giết mình trước khi nhìn lại mình lần thứ hai - cô tự nhủ - thì anh ấy sẽ bảo mình giống một cô gái của đội hợp xướng ở Đảo Côni. Nhưng mình làm gì được đây với một đô la tám hào bảy”

Đến bây giờ cà phê đã pha xong, chảo đã đặt lên lò, đã nóng và sẵn sàng để rán món sườn.

Gim không bao giờ về chậm. Đêla gập chiếc dây đeo đồng hồ trong lòng bàn tay và ngồi vào góc bàn, chỗ gần cửa mà Gim thường vẫn đi vào. Rồi còn nghe tiếng chân anh ở tầng dưới, trên cầu thang thứ nhất và trong giây lát, mặt cô tái nhợt. Cô thường có thói quen cầu nguyện thầm về những việc đơn giản nhất hàng ngày và lúc này cô nghĩ thầm: “Lạy chúa, xin chúa hãy làm cho anh ấy nghĩ rằng con vẫn đẹp”

Cửa mở, Gim bước vào rồi đóng cửa lại, trông anh gầy gò và rất nghiêm trang. Tội nghiệp, mới có hai mươi hai tuổi đầu mà anh đã phải nặng gánh gia đình. Anh cần một chiếc áo khoác mới, lại găng tay nữa anh cũng không có.

Gim dừng lại bên cửa, đứng im không nhúc nhích như một con chó săn khi đánh hơi thấy chim cun cút. Mắt anh nhìn Đêla chằm chằm, trong ánh mắt có một vẻ thế nào ấy Đêla không hiểu được, làm cô hoảng sợ, không phải là giận dữ, hay ngạc nhiên, hay chê trách, cũng chẳng phải là kinh tởm hay bất cứ một tình cảm nào mà cô đã chuẩn bị chờ đón. Anh chỉ giương mắt nhìn cô trừng trừng với vẻ lạ lùng ấy.

Đêla vùng dậy rời khỏi bàn, đến bên chồng.

- Gim, anh yêu quý - cô kêu lên - Đừng nhìn em như thế. Em đã cắt tóc bán rồi, vì em không thể nào sống qua Nôen mà không có chút quà gì tặng anh. Rồi tóc em sẽ mọc lại, anh đừng giận em, anh nhé! Em buộc lòng phải làm thế . Tóc em mọc nhanh lắm. Thôi, Gim, anh hãy nói “Chúc mừng Nôen” đi, và chúng ta hãy vui lên. Anh biết không, em đã mua tặng anh một món quà rất đẹp, rất tuyệt.

- Em đã cắt tóc mất rồi à? - Gim hỏi như rặn ra từng lời, tựa hồ anh vẫn chưa nắm được sự việc hiển nhiên ấy ngay cả sau khi đã suy nghĩ rất vất vả.

- Đã cắt tóc và đã bán rồi - Đêla nói - Dẫu sao anh vẫn yêu em chứ? Không còn tóc thì em vẫn là em kia mà, phải không anh?

Gim nhìn quanh phòng một cách lạ lùng.

- Em bảo là em đã bán tóc đi rồi à? - anh hỏi, vẻ gần như ngớ ngẩn.

- Anh tìm làm gì, - Đêla nói - Bán rồi, em đã nói với anh là bán mất rồi mà. Đêm nay là đêm Nôen anh ạ. Hãy yêu em vì em bán tóc đi là vì anh đấy. - Rồi cô nói tiếp, giọng bỗng nhiên nghiêm trang và dịu dàng - Tóc trên đầu em hoạ chăng có đếm được, nhưng không ai có thể đếm được tình yêu của em đối với anh. Gim, em đi rán sườn nhé!

Gim như chợt tỉnh cơn mê. Anh ôm lấy Đêla của anh, trong mười giây đồng hồ, chúng ta hãy kín đáo quay đi phía khác, xem xét một vật gì đó không quan trọng mấy. Tám đô la là một tuần hay một triệu năm, có gì là khác nhau kia chứ? Một nhà toán học hoặc một nhà thông thái sẽ cho bạn một câu trả lời sai. Các đạo sĩ đã đem những món quà quý tới, nhưng trong số đó không có món quà ấy. Điều khẳng đình tối mò này sẽ được làm sáng tỏ dưới đây.

Gim lấy trong túi áo khoác ra một gói nhỏ, ném lên bàn và hỏi.

- Không, Đêla ạ, đừng hiểu lầm về anh. Anh không hề có ý nghĩ cho rằng một kiểu cắt tóc, một kiểu cạo hay một kiểu gội có thể làm anh bớt yêu em của anh đi một chút nào. Nhưng nếu em mở cái gói này ra em sẽ thấy tại sao lúc đầu em làm anh sững sờ đến thế.

Những ngón tay trắng trẻo nhanh nhẹn cắt đứt sợi dây buộc và xé giấy gói. Tiếp theo là một tiếng rú vui mừng đến cực độ, rồi, hỡi ôi, sau đó là một sự biến đổi mau lẹ vốn dĩ của nữ giới chuyển sang những giọt nước mắt xúc động và những tiếng rên rỉ, đòi hỏi vị chủ nhà phải sử dụng ngay tất cả mọi khả năng an ủi, dỗ dành của mình.

Vì rằng nằm trên bàn tay kia là những chiếc lược. Một bộ lược dùng để cài hai bên và đằng sau, mà Đêla đã say mê từ lâu trong một cửa hàng ở phố Brôtuê. Những chiếc lược tuyệt đẹp, bằng đồi mồi thật, viền nạm đá quý, đúng là thứ để cài lên trên bộ tóc đẹp đã mất. Đó là những chiếc lược rất đắt tiền, Đêla biết vậy và cô chỉ dám tơ tưởng, ao ước trong lòng mà không hề có một chút hy vọng nào có được những chiếc lược ấy. Và bây giờ, chúng đã là của cô, nhưng những bím tóc đáng lẽ được trang điểm bằng những đồ trang sức hằng khao khát ấy thì lại không còn nữa.


Nhưng Đêla vẫn ôm lấy những chiếc lược vào lòng và mãi sau cô mới ngước đôi mắt mờ lệ nhìn lên và mỉm cười nói:

- Tóc em mọc nhanh lắm, anh Gim ạ!

Bỗng cô choàng bật dậy như một con mèo phải bỏng kêu to “Ôi, ôi!”
Gim vẫn chưa trông thấy món quà tuyệt đẹp tặng anh. Cô vội xoè rộng bàn tay chìa ra, chất kim loại mờ mờ quý giá như được nhiệt tình rạng rỡ và sôi nổi của cô rọi vào, sáng loé lên.

- Trông đẹp đấy chứ, có phải không Gim? Em đã đi lùng khắp thành phố mới tìm được đấy. Từ nay anh sẽ phải xem giờ mỗi ngày một trăm lần đấy nhé. Anh đưa đồng hồ đây cho em. Em muốn đeo sợi dây này vào, nó sẽ ra thế nào? Gim không làm theo lời Đêla mà lại nằm lăn ra giường, chắp hai bàn tay sau gáy, mỉm cười bảo:

- Đêla, ta hãy dẹp những món quà Nôen của chúng ta lại, để chúng đấy một thời gian. Những món quà ấy đẹp quá chưa thể dùng ngay bây giờ được. Anh đã bán chiếc đồng hồ để lấy tiền mua lược cho em rồi. Nào bây giờ thì em hãy rán sườn đi, được không?

Như các bạn đều biết, các vị đạo sĩ là những con người khôn ngoan, khôn ngoan tuyệt vời, đã mang quà đến tặng đức chúa hài đồng nằm trong máng lừa. Các vị ấy đã phát minh ra nghệ thuật tặng quà Nôen. Các vị ấy là những con người khôn ngoan, cho nên nhất định là quà của các vị ấy cũng khôn ngoan, đem sao chép lại còn có thể có ưu điểm là đổi chác được. Ở đây tôi đã kể lại một cách vụng về cho các bạn nghe câu chuyện không có gì là ly kỳ về hai đứa trẻ ngốc nghếch sống trong một căn buồng nhỏ, đã hy sinh cho nhau một cách chẳng khôn ngoan tí nào những của cải quý giá nhất trong nhà. Nhưng để nói một lời chót với những kẻ khôn ngoan thời buổi ngày nay, ta hãy khẳng định rằng trong số tất cả những người tặng quà thì hai người ấy là những người khôn ngoan nhất. Trong số tất cả những người tặng và người nhận quà những người như họ cũng là khôn ngoan nhất. Ở bất cứ đâu họ cũng là những người khôn ngoan nhất. Chính họ là những đạo sĩ.
O. HENRY

2 tháng 4, 2011

Bài học vô giá từ những điều bình dị

1. Một vị vua cho gọi người thợ ki hoàng của hoàng cung đến và ra lệnh cho anh ta: "Hãy làm cho ta một chiếc nhẫn và khắc lên đó một câu nói khiến ta biết kiềm chế niềm vui khi hạnh phúc và phấn chấn khi buồn bã".
Người thợ kim hoàn chẳng gặp khó khăn gì trong việc tạo ra chiếc nhẫn cho nhà vua. Thế nhưng việc tìm ra câu nói the yêu cầu của nhà vua đã nằm ngoài khả năng của anh.

Cuối cùng anh bèn tìm đến nhà thông thái để hỏi ý kiến: "Con nên khắc lên chiếc nhẫn câu gì để kiềm hãm niềm vui của nhà vua khi ngài phấn khích và vực dậy tinh thần khi ngài rầu rĩ?"
Nhà thông thái lấy một tờ giấy và viết vào đó dòng chữ: "Điều đó rồi cũng qua đi".


2. Trong một tiểu đội nọ có một người lính bị tật ở chân. Anh trở thành mục tiêu chọc ghẹo của đồng đội. Chẳng cần nói nhiều, anh chỉ buông một câu: "Tôi ở đây để chiến đấu chứ có phải để chạy đâu".

3. Một công ty vận tải nọ đăng báo tuyển trợ lí. Tại buổi phỏng vấn, các ứng viên được yêu cầu đẩy một chiếc hộp rất nặng từ nơi này sang nơi khác. Dù biết là không thể nhưng làn lượt mọi người đều dùng hết sức mình để đẩy chiếc hộp đó vì họ cho đây là bài kiểm tra sức khoẻ. Dù vậy chẳng có ai trong số họ đạt được yêu cầu của nhà tuyển dụng.Thế rồi Johnny-một anh chàng trông rất khoẻ mạnh bước vào-Khi được yêu câu chuyển cái hộp anh nói: "Các vị có đùa không đấy? Làm sao một mình tôi có thể di chuyển cái hộp này cơ chứ. Tôi cần ai giúp đỡ". Dứt lời anh đã đc nhận.


24 tháng 3, 2011

Yêu thật chân thành, tha thứ thật nhanh

Có ai đó đã nói một câu rất đúng: "Cuộc sống quá ngắn cho những điều nhỏ nhen, vụn vặt và những màn kịch tính, nên hãy hôn thật chậm, cười thật tươi, yêu thật chân thành và tha thứ thật nhanh". Đó rõ ràng là một cách sống thông minh - nhưng không dễ thực hiện.

Thực tế, ai cũng có thể thực hiện được phần… hôn thật lâu và cười thật tươi. Ngay cả "yêu thật chân thành" là một điều khó hơn nhưng vẫn khả thi. Chỉ có cái ý tưởng về "tha thứ thật nhanh" thì… thật khó.

Chúng ta thường thích đánh giá và phán xét một cách chủ quan, rồi kết luận nhanh chóng. Khi thấy mình đúng đắn, chúng ta thích trừng phạt hơn là tha thứ. Tha thứ khiến chúng ta cảm thấy như phải thoả hiệp, phải… hạ mình.

Khi cơn tức giận đang choán chỗ mà bảo phải tha thứ thì giống như bắt chúng ta phải uống một loại thuốc đắng, ép mình phải nuốt, dù chỉ một giọt cũng vẫn thấy vô cùng khó chịu.
Jimmy và Rosalynn yêu nhau say đắm, và họ quyết định kết hôn. Phải nói là yêu thì yêu, nhưng cả hai đều là những người "cứng cỏi" và… cứng đầu. Cả Jimmy và Rosalynn đều thấy rất khó để thừa nhận rằng mình đã sai, trong mọi trường hợp.

Và khi hai người bướng bỉnh sống với nhau thì tất nhiên, những cãi vã là điều khó tránh khỏi. Một hôm, sau một trận cãi nhau rất ầm ỹ nữa, Jimmy thấy rất mệt mỏi và quyết định rằng anh sẽ không để thêm một ngày nào nữa kết thúc trong tình trạng một trong hai vợ chồng còn cáu kỉnh với nhau.

Nên anh vào xưởng mộc của mình, cắt một mảnh gỗ mỏng và nhỏ. Trên đó, anh cẩn thận khắc dòng chữ: "Kể từ giờ em nhé, vào mỗi buổi tối, mảnh gỗ nhỏ này là để thay cho một lời xin lỗi, hoặc một lần tha thứ của anh."
Ngay hôm đó, anh đưa mảnh gỗ cho Rosalynn. Và từ đó, anh đều biết kiềm chế mình mỗi lần nổi cáu khi Rosalynn đưa mảnh gỗ cho anh xem. Anh sẽ thừa nhận mình sai lầm - nếu đúng như thế, hoặc lắng dịu xuống, nếu là anh đang tức giận với một sai lầm của vợ.

Với mảnh gỗ nhỏ đó, Jimmy đã giúp cho cả anh và người anh yêu nhất là Rosalynn học cách tha thứ thật nhanh. Họ tạo ra một không khí ấm áp trong gia đình, nơi cả hai có thể thừa nhận những sai lầm của mình và biết rằng sẽ được tha thứ.

Và tôi cho rằng nếu chúng ta có thể tha thứ thật nhanh, thì chúng ta sẽ không gặp khó khăn gì trong những việc ôm hôn, vui cười và yêu thương. Mà có thể bằng cách tha thứ, chúng ta sẽ còn thực hiện nhiều hơn những điều còn lại.